Thực hiện Kế hoạch số 1464/KH- CSCNMT4 ngày 15/11/2024 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế Giới phòng, chống AIDS 01/12, từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2024 tại Cơ sở cai nghiện ma tuý số 4 Hà Nội đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên loa phát thanh nội bộ, qua băng rôn, khẩu hiệu trực quan tại đơn vị; phối hợp với Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và học viên về nội dung và những điểm mới trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); gặp mặt, tặng quà, động viên chia sẻ những học viên không may nhiễm HIV/AIDS đang cai nghiện, chữa bệnh, giáo dục tại Cơ sở; tổ chức tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho 100% học viên vào cai nghiện, tư vấn về HIV/AIDS, tư vấn sau xét nghiệm cho số học viên nhiễm HIV và đăng ký điều trị ARV tham gia bảo hiểm y tế; tổ chức khám và lấy máu xét nghiệm tải lượng vi rút và test kháng thuốc cho học viên đang điều trị ARV…đồng thời phối hợp với Trung tâm y tế Huyện Ba vì tổ chức xét nghiệm sàng lọc để phát hiện người nhiễm mới HIV cho 100% học viên vào cai nghiện để có phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
Và một trong những nội dung trọng tâm, điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 đã được xây dựng kế hoạch và tổ chức vào ngày 15/12/2024 tại đơn vị đó là buổi truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho hơn 500 viên chức, người lao động và học viên tại Cơ sở được đồng chí Bác sỹ Đào Văn Long – Phó Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc đơn vị trực tiếp thực hiện.
Trong buổi truyền thông, đồng chí Đào Văn Long đã truyền tải nhiều nội dung mới nhất về tình hình HIV/AIDS trên Thế Giới cũng như tại Việt Nam và những chủ trương, quan điểm của Đảng, Pháp luật Nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, đồng chí Đào Văn Long cũng đã nhấn mạnh đến công tác tư vấn, chăm sóc, điều trị đặc biệt là nhấn mạnh việc xoá bỏ sự kỳ thị, xa lánh người nhiễm HIV/AIDS ngay cả khi ở Cơ sở hay trở về cộng đồng. Khích lệ sự chia sẻ, giúp đỡ, động viên của cán bộ đến những học viên nhiễm HIV để họ thêm tự tin hoà nhập với cuộc sống
Đồng chí cho biết: Với sự kiểm soát tình hình HIV/AIDS trên Thế Giới và Việt Nam hiện nay đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ở Việt Nam, hiện nay có khoảng 40.000 người nhiễm HIV được quản lý và khoảng 30.000 người nhiễm HIV chưa được quản lý. Đặc biệt, thời gian gần đây tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm đồng giới nam có xu hướng tăng lên so với các nguồn lây khác. Chính vì thế, đồng chí Đào Văn Long nhấn mạnh với môi trường đặc thù cai nghiện ma tuý tập trung cho học viên nam với số lượng hơn 700 học viên hiện nay, với độ tuổi, trình độ nhận thức, hoàn cảnh sống, vùng miền khác nhau lại nghiện ma tuý nhiều năm, tái nghiện nhiều lần do vậy việc tuyên truyền cho cán bộ, học viên về phòng, chống HIV/AIDS là hết sức quan trọng, là một trong những nhiệm vụ chính trị được quan tâm hàng đầu của Cơ sở không chỉ trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, mà xuyên suốt trong quá trình cai nghiện, chữa trị cho học viên.
Trong chương trình truyền thông, đồng chí Đào Văn Long đã lồng ghép nhiều video, hình ảnh, phim tư liệu và tương tác hai chiều với học viên từ đó tạo không khí hoà đồng, thu hẹp khoảng cách giữa cán bộ- học viên. Và làm cho học viên dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, thấy mình được tôn trọng. Các em học viên tham gia buổi tuyên truyền đã chăm chú lắng nghe, theo dõi bài giảng, phim tư liệu và tích cực tham gia tương tác, trao đổi kinh nghiệm của bản thân, các câu lạc bộ ngoài cộng đồng, các gương tiêu biểu trong phòng, chống HIV/AIDS… nhiều học viên ở địa bàn vùng sâu, vùng xa lần đầu được tiếp cận và nắm bắt đã rất hào hứng vì được học tập những kinh nghiệm bổ ích trong công tác phòng, chống HIV/AIDS cho bản thân cũng như tuyên truyền cho người thân để hiểu và chủ động phòng, chống HIV/AIDS.
Buổi tuyên truyền có ý nghĩa hết sức thiết thực với cán bộ, viên chức, người lao động và học viên. Tăng thêm sự hiểu biết về HIV/AIDS. Từ đó biết và có biện pháp phòng chống cho mình và cộng đồng góp phần giảm lây nhiễm HIV/AIDS, tiến tới xoá bỏ như chương trình tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra. Đặc biệt là góp phần xoá bỏ tự ti, mặc cảm, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tạo động lực cho người nhiễm HIV/AIDS tự tin, yên tâm chữa trị, sống và làm việc, hoà nhập với cộng đồng ./.
Người viết: Nguyễn Mạnh Hùng