NGƯỜI MẸ

   Chị luôn trầm lặng, có người bảo số phận của chị nó là như vậy từ khi còn là cô sinh viên trường Đại học Y Thái Bình. Sau này khi đã công tác hơn 30 năm cô sinh viên trẻ trung xinh xắn Trần Thị Hải ngày nào ngẫm lại rằng có điều gì đó đúng: một bác sỹ sắp nghỉ hưu mà chưa từng làm việc ở một bệnh viện nào… nhưng đó lại là niềm hạnh phúc của chị, bởi vì chị không chỉ là “từ mẫu” đơn thuần, chị là người mẹ của hàng ngàn đứa trẻ nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt…chị còn hơn cả một người mẹ, người mẹ  trầm lặng!

    Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống Vĩnh Lộc – Thanh Hóa giữa lúc đất nước còn đang chiến tranh, rất nhiều bom đạn, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn khốc liệt, đó là năm 1969 chị nhanh chóng khẳng định bản thân mình khi luôn xuất sắc trong học tập, từ năm 1983 – 1986 chị học chuyên toán ở trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn – Thanh Hóa, năm 17 tuổi chị thi và đỗ vào Trường Đại học Y Thái Bình chuyên khoa nhi, sau 2 năm chị chuyển về học tại Trường Đại học Y Hà Nội, kết thúc 6 đại học, năm 1993 chị ra trường và được nhận vào làm Bác sỹ dự án 3 + 4 tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi suy dinh dưỡng Đông Anh Hà Nội thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Từ đó đến nay chị chuyển công tác nhiều đơn vị nhưng có một thứ không thay đổi: Chị luôn là người mẹ, người Bác sỹ của nhiều đứa trẻ, nhiều phụ nữ có hoàn cảnh éo le…đến bây giờ cũng vẫn vậy. Đây là điều mà chị vô cùng hạnh phúc và hãnh diện

    Người chiến sỹ áo trắng 30 năm gắn bó với người yếu thế, trẻ em mồ côi, người nhiễm HIV/AIDS và 30 năm trong ngành lao động thương binh và xã hội Thủ Đô!

   Từ khi đi học chị Trần Thị Hải có ước mơ cháy bỏng sau này sẽ được làm trong ngành Y và khi ra trường sẽ được công tác ở một bệnh viện thật quy mô, bởi vì các bệnh viện lớn sẽ có nhiều cơ hội và không gian được cống hiến làm việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đồng thời bản thân sẽ nhanh chóng trưởng thành, phát triển. Đây có lẽ là mơ ước của tất cả các sinh viên trường y, nhưng nghề nghiệp, nơi làm việc đôi lúc lại là một “Định mệnh”.

   Chị nhớ lại: Ngày đầu tiên đi làm sau khi tốt nghiệp trường đại học Y Hà Nội (1993), thay vì vào làm việc ở bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến Tỉnh thậm chí tuyến Huyện (chắc chắn sẽ đầy đủ với cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế )…thì nơi chị đến nhận việc lại là Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi suy dinh dưỡng, trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ngày đầu chị rất lo lắng, muốn quay về thì lại gặp cô Nguyễn Thị Thanh. Cô là chủ nhiệm dự án 3+4 nuôi dưỡng trẻ mồ côi suy dinh dưỡng. Cô Thanh đã đưa chị vào một phòng trẻ, lố nhố hơn chục cháu nhỏ với đủ các lứa tuổi, gày gò, ngơ ngác mỗi đứa 1 vẻ nhưng tựu chung các em đều là những đứa trẻ thiệt thòi từ nhiều địa phương tới. Cô Thanh giới thiệu chị với bọn trẻ ” Đây là mẹ Hải, từ hôm nay mẹ Hải sẽ ở đây cùng các con”. Bọn trẻ đồng thanh chào chị, còn chị thì có chút ngỡ ngàng, vì từ bé chưa ai chào là mẹ . Nhìn những gương mặt gầy gò, ngơ ngác tội nghiệp của bọn trẻ, nhìn ánh mắt đượm buồn và cả sự háo hức khi biết từ nay chị sẽ là mẹ của chúng, như có một luồng điện chạy dọc cơ thể, nước mắt chị giàn giụa từ khi nào không biết. Một cảm giác thân thương, gắn bó ùa đến – Đó là định mệnh và cũng là cơ duyên, chị quyết định ở lại dự án làm việc. Với chức danh là Bác sỹ nhưng hàng ngày chị được giao chăm sóc cho bọn trẻ, tắm giặt, vệ sinh, bón ăn, kiêm khám, chữa bệnh cho bọn trẻ. Từ hồi còn là học sinh chị chưa bao giờ hát trước đám đông vậy mà ngày đó chị đã hát, đã múa, dạy các con múa hát, lại còn sáng tác thơ, bài hát cho các con nữa.

   Chị cho biết có những kỷ niệm rất sâu sắc trong nghề làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm của chị: kỷ niệm đầu tiên khi đó còn đang làm dự án chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng, chị được giao chăm sóc một cháu bé mồ côi, bé tên là Nguyễn Thái Bình, vì suy dinh dưỡng nên cháu đã mắc bệnh viêm phổi nặng, vừa là người mẹ với vai trò chăm sóc con, vừa là vai trò Bác sỹ chị đã rất vất vả trong việc điều trị, thức đêm hôm theo dõi chăm sóc cháu, tuy nhiên bằng sự nỗ lực cháu đã được cứu sống và chữa khỏi bệnh. Cháu được chăm sóc nuôi dưỡng tốt đã lớn lên, phổng phao đuổi kịp các bạn cùng trang lứa, đến bây giờ bạn í đã trưởng thành, rất khỏe mạnh, thành đạt, thường xuyên qua lại thăm chị, Nguyễn Thái Bình là một người có tay nghề giỏi hiện đang phụ trách kỹ thuật cho Công ty Han Yang DigitaVina khu 3 Chu Hóa – Việt Trì – Phú Thọ, có một vợ, hai con rất hạnh phúc, ổn định…. nhìn thấy kết quả như vậy chị đã rất vui mừng và hạnh phúc vì khi đó chị là bác sỹ mới ra trường và chưa từng làm mẹ … có lẽ từ khoảnh khắc mà thật ra rất bình dị này càng làm chị khao khát hơn, yêu thương mãnh liệt hơn công việc mà chị đã và vẫn làm cho đến bây giờ…

Ảnh: Chị Trần Thị Hải cùng trẻ em mồ côi, suy dinh dưỡng khi chị mới đến làm việc (ảnh trái), chị Hải trong 1 buổi gói bánh chưng Tết cùng cán bộ đơn vị (ảnh phải)

   Công việc là “Định mệnh”,  khi chị trải qua nhiều nơi làm việc, công tác, công việc từ chăm sóc trẻ mồ côi, chữa trị cho gái mại dâm, cai nghiện cho người nghiện ma túy, nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa, trải qua bao buồn vui, thăng trầm của cuộc sống, bao khó khăn gian khổ, nhất là những ngày chị công tác trên Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 Hà Nội ( 1995 – 1999 ), chị bị ám ảnh những cơn mưa kéo dài ở Yên Bài, Ba Vì, hồi đó rừng cây lá um tùm, rậm rạp, đường xá đi lại khó khăn, đơn vị còn hoang sơ, chị thì vẫn đang nuôi con nhỏ, có thời điểm 3 tháng chị mới về nhà 1 lần thậm chí nếu mưa nhiều chị không thể về thăm con, lúc đó con chị mới được 18 tháng tuổi, đang gửi nhà bà ngoại ở quê…trong mấy năm ở đây chị chỉ có vài lần về nhà, hình như đều là khi mùa hoa bằng lăng tím nở, chị kể ở cổng Trung Tâm có một cây Bằng lăng rất to, năm nào vào hè cũng nở rất nhiều hoa nên chị nhớ lắm, dù lúc đó khi đứng một mình chị cũng thấy suy tư, dao động…nhưng rồi cơ duyên chị vẫn gắn bó với công việc. Chị nói : Niềm vui của chị là những cháu bé lớn lên khỏe mạnh, những người cao tuổi được chăm lo sức khỏe có niềm vui tuổi xế chiều, những đối tượng được giúp đỡ hòa nhập cộng đồng.

   Chị bồi hồi nhớ lại việc chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, khi căn bệnh thế kỷ vào nước ta những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước. Do sự thiếu hiểu biết và nhận thức về căn bệnh HIV/AIDS chưa rộng rãi và đầy đủ, đã có nhiều kỳ thị từ cộng đồng, khi mà chỉ nhìn thấy, thậm chí chỉ nghe thấy thôi đã cảm nhận rất ghê gớm, người nhiễm HIV thường bị xa lánh, lúc đó thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội còn rất hạn chế, đặc biệt các loại thuốc điều trị kháng virut HIV gần như không có. Khi ấy chị đang là Bác sỹ tại Trung tâm Bảo trợ 2 Hà Nội (Nay là Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội), có trường hợp bệnh nhân là một cô gái trẻ Nguyễn Thị Ngọc V quê ở Bắc Giang, khi em biết mình nhiễm HIV đã chán nản, lo âu bỏ ăn, uống mấy ngày, chỉ đòi được chết..… gây ra tâm lý lo lắng cho mọi người, chị được phân công điều trị và bản thân cũng rất lo lắng, tuy nhiên chị rất băn khoăn nghĩ cách, sẽ giúp cô gái ấy tự tin như thế nào đây? Mình cũng chỉ hơn bạn ấy có vài tuổi, chị hiểu khi mà cô gái tuổi đời còn trẻ như thế mà đã mắc vào tệ nạn xã hội, dẫn đến nhiễm HIV, trong quá trình điều trị, chị thường xuyên gần gũi, chia sẻ, động viên, kể cho V nghe về những tấm gương sáng trong cuộc sống, vượt qua bệnh tật … và cuối cùng việc điều trị bệnh cho cô gái ổn định, khỏe mạnh và chính chị là người trực tiếp đưa cô gái trở về địa phương hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống. Năm 2000 thật bất ngờ sau 5 năm chị tình cờ gặp lại V ở Hà Nội, em rất vui vẻ, trẻ trung xinh xắn và đã có việc làm thu nhập ổn định, vẫn nói lời cảm ơn chị đã giúp đỡ, tạo một hành trang tự tin cho cuộc đời của em

   Miệt mài sáng tạo, tâm huyết đổi mới và tìm tòi giải pháp tốt nhất trong điều trị cho người yếu thế, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt 

   Trong sự phát triển không ngừng của kinh tế – xã hội Thủ Đô, Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, nghành Lao động Thương binh xã hội luôn rất quan tâm công tác an sinh xã hội, các chính sách đã rất kịp thời đáp ứng đầy đủ các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, Thành phố Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về công tác an sinh xã hội…Trong những năm qua Thành phố đã thành lập nhiều đơn vị Cơ sở bảo trợ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo trợ ngày càng gia tăng của xã hội, thực tế trên địa bàn Thành phố, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, người già cô đơn đã có nhiều kết quả tốt. Bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn  mà việc không có nhiều y – bác sỹ đến công tác tại các Cơ sở bảo trợ là khó khăn đầu tiên, có thể việc đó do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một nguyên nhân đó là làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội thì đòi hỏi nhiều thời gian, tâm huyết và cần phải có sự hy sinh về vật chất cũng như tinh thần, cần tấm lòng chia sẻ, yêu thương thực sự đối với người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…mà sự hy sinh thầm lặng đó sẽ đi theo cả sự nghiệp của mình.

   Suốt quá trình công tác trong nghề vừa là Bác sỹ trực tiếp chăm sóc các đối tượng bảo trợ, vừa là người quản lý đơn vị, chị luôn hiểu rằng sự đồng cảm, sẻ chia tình yêu thương cũng như trách nhiệm, tận tâm đối với nghề là yếu tố quyết định thành công trong công việc. Là chỗ dựa tinh thần, niềm tin cho các đối tượng và là niềm tin cho cán bộ, công nhân viên trong công tác. Nhiều năm liền chị gắn bó trực tiếp khám và điều trị cho các đối tượng, chăm sóc chu đáo tận tình từ bữa ăn giấc ngủ, từng viên thuốc, chị vừa là bác sỹ, vừa là điều dưỡng, là người thân tâm tình chia sẻ với từng hoàn cảnh. Đối với đồng nghiệp chị trao đổi, nắm bắt chuyên môn, cùng đưa ra những giải pháp, sáng kiến để  áp dụng tại đơn vị góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các sáng kiến như: nâng cao đời sống tinh thần cho người già và trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội để có chất lượng sống tốt hơn, hay: Giải pháp tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chất lượng cao tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng; tiêu chuẩn về văn hóa, thể thao và giải trí. Đảm bảo các quyền của đối tượng trong cơ sở bảo trợ xã hội đã mang lại những kết quả nhất định trong công tác chăm sóc các đối tượng tại Trung tâm.

Chị Hải cho biết: Trong công tác chăm sóc sức khỏe đối với trẻ em và người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội, chị thấy rất vui mừng, vì đơn vị đã xây dựng được một nề nếp làm việc chuyên nghiệp và đặc biệt là phòng Y tế đã chăm sóc sức khỏe ban đầu, điều trị dự phòng và xử lý các tình huống về sức khỏe cho các cụ và các cháu tại Trung tâm đã đạt được những kết quả tốt, phòng ngừa được một số bệnh như tai biến mạch máu não, tim mạch người cao tuổi, các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính cho các các cụ các cháu, sức khỏe các cụ, các cháu nâng lên rất là cao, tuổi thọ của các cụ ngày càng nâng lên rõ rệt. Các cụ được chăm sóc sức khỏe chu đáo, điều trị bệnh phục hồi nhanh nhờ phương pháp kết hợp giữa điều trị thuốc và chăm sóc dinh dưỡng… Quả thực đến với Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội chúng tôi mới cảm nhận được những sự cố gắng nỗ lực của chị và tập thể cán bộ công nhân viên của đơn vị, khi đến thăm các đối tượng là người già neo đơn nơi đây, trực tiếp gặp mà thấy các cụ khỏe mạnh vui tươi có rất nhiều cụ đã ở đây nhiều năm và đến nay có nhiều cụ đã trên 90 tuổi, có cụ Đỗ Thị Quý sinh năm 1934 vào Trung tâm từ năm 2001 đến nay cụ đã 89 tuổi, đặc biệt có cụ Trần Thị Hậu sinh năm 1919, năm nay cụ đã 104 tuổi, chúng tôi mới thấy công lao thành quả của chị và cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc y tế tốt như thế nào và cũng nghe các cụ nói lên sự biết ơn, thể hiện sự trân quý, kính trọng đối với các chị là y bác sĩ và đặc biệt chị là người đứng đầu đơn vị, như thế mới cảm nhận được tình cảm lớn lao bao la của các cụ giành cho chị.

Ảnh: Chị Trần Thị Hải đang thăm khám bệnh cho các cụ (ảnh trái) và chị Hải trong một buổi chung vui đón Giang Sinh với trẻ em của đơn vị (ảnh phải)

   Một người lãnh đạo bình dị, gương mẫu; một bác sỹ tận tâm, hết lòng chăm sóc, nuôi dưỡng phục vụ trẻ em, người già, người lang thang, neo đơn

  Trong suốt hơn 30 năm gắn bó với nghề Y và ngành Lao động thương binh và xã hội Thủ Đô, bác sỹ Trần Thị Hải luôn được các em thiếu nhi, bệnh nhân và đồng nghiệp tin yêu, quý trọng bởi tài năng và đức độ của một lương y có tâm với nghề. Tuy là một lãnh đạo đơn vị nhưng chị không hề tạo cho mình khoảng cách xa rời đồng nghiệp mà luôn sống giản dị, hòa đồng, thân thiện với mọi người. Trong cuộc sống và công việc, chị luôn chân tình. Với vai trò là người đứng đầu đơn vị, chị luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, gương mẫu trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng tổ chức Đảng Cơ sở vững mạnh luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đơn vị kỷ cương hành chính, văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp… Bằng sự cố gắng nỗ lực, không ngừng nghỉ, nhiều năm qua chị đã được giao và trải qua nhiều nhiệm vụ trọng trách như Phó Phòng Y tế, Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 Hà Nội ( nay là Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội ) giai đoạn 1995 – 1999; từ năm 2000 đến 9/2017 là Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Chi bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội. Từ tháng 10/2017 đến nay: Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội.

    Chị cùng tập thể đơn vị đã nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đơn vị được UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen năm 2019, năm 2021, tặng Cờ thi đua xuất sắc của Thành Phố năm 2020, được Bộ Lao động Thương binh và xã hội tặng bằng khen 2022, đặc biệt đơn vị vinh dự được nhận Huân Chương lao động hạng ba năm 2012 và Bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ năm 2022. Về cá nhân chị cũng được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen, các cấp các ngành ghi nhận khen tặng nhiều phần thưởng…Cá nhân chị nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là chiến sỹ thi đua cơ sở nhiều năm, hai lần nhận danh hiệu người tốt việc tốt, giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền của Quận ủy Đống Đa, giấy khen của Đảng bộ quận Nam Từ Liêm về việc thực hiện chỉ thị số 05 – CT/TW giai đoạn 2016 – 2021 cùng nhiều giấy khen của các đoàn thể, chính quyền ghi nhận những cống hiến của chị cho sự phát triển của đơn vị, của ngành…

Ảnh: Chị Trần Thị Hải nhận Bằng khen của Bộ LĐTBXH (ảnh trái), nhận cờ thi đua xuất sắc của Thành Phố Hà Nội (ảnh phải)

   Nhận xét về chị, ông Bùi Tiến Thành -Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội cho biết: “ Tôi là người được làm việc với đồng chí Trần Thị Hải rất nhiều năm, phải nói rằng tất cả cán bộ công nhân viên trong đơn vị cũng như bản thân tôi cảm nhận chị là người lãnh đạo chuẩn mực, luôn sát sao, quan tâm đến bệnh nhân, người già cô đơn, trẻ em, chị là người bác sỹ chu đáo, tận tình”

   Chị Nguyễn Thị Hạnh- Giám đốc tổ chức PSBIV ( Pearl S.Buck international Vietnam trực thuộc tổ chức  Pearl S.Buck international của Hoa Kỳ) – Tổ chức có nhiều dự án hỗ trợ, giúp đỡ chăm sóc cho trẻ em Việt Nam, hào hứng nói : “chị Hải là người luôn yêu quý trẻ em, chị có những các làm sáng tạo, gần gũi với trẻ…luôn tạo sự yên tâm, tự tin cho trẻ”…

  Với chị niềm hạnh phúc lớn lao là mang lại sức khỏe, niềm vui cho những người yếu thế, chị nói rằng bây giờ hoặc sau này giả sử chị được chọn lựa lại công việc, chị sẽ vẫn chọn nghề y, bởi chị yêu nó. Chính vì vậy kể cả những vất vả, mệt nhọc khi ở cơ quan hay những bộn bề công việc gia đình ở nhà.. chị vẫn luôn vững vàng, tâm huyết với nghề. Chị vẫn không rời xa bọn trẻ, vì đó là nhân duyên, là nghiệp của chị. Niềm vui của chị giờ là nụ cười của các cụ già, được san sẻ trong một gia đình đầm ấm, là tiếng véo von của bọn trẻ khoe, mách, ôm ấp khi gặp chúng, để chúng kể về những ước mơ, dự định tương lai, mà chị cùng những đồng nghiệp hàng ngày đã vun đắp những ước mơ cho các con bước vào tương lai tươi sáng.

  Hôm nay có dịp đi ngang qua cổng Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội ( trước đây là Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 ) tôi bỗng nhìn thấy cây hoa bằng lăng rất nhiều hoa tím nở, ở đây trên Ba Vì này là nơi một phần tuổi trẻ của chị đã từng gắn bó, bây giờ cây bằng lăng vẫn còn đó cao lớn hơn và nở nhiều hoa hơn, nhưng với chị giống như một loài hoa, một loài hoa kiên cường, nhẫn nại dù sinh ra trên cát trắng của bờ biển dù xa biển mà vẫn xanh tốt, vẫn nở hoa khi mùa đến…đó là loài hoa xương rồng, biển vẫn thì thầm hát ru bờ cát để thấy một người mẹ vẫn trầm lặng cho rất nhiều niềm vui, nụ cười và những mùa hoa rực rỡ của tương lai.

Tác giả:  Phạm Đình Giang

Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 4 HN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *