Cơ sở Cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội tổ chức chuyến hành trình về nguồn thăm các khu di tích lịch sử cách mạng tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023), được sự đồng ý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong các ngày từ 16 tháng 12 đến 20 tháng 12 năm 2023, đoàn công tác Cơ sở Cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội do đồng chí Phạm Đình Giang – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Cơ sở làm trưởng đoàn cùng 38 đồng chí là trưởng, phó các phòng, đoàn thể, hội viên Hội Cựu chiến binh và một số cán bộ tiêu biểu, đoàn viên thanh niên đã có chuyến hành trình về nguồn thăm các khu di tích lịch sử cách mạng, học tập kinh nghiệm tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình, đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà và học tập kinh nghiệm tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La. Tiếp đoàn công tác, về phía Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La có đồng chí Đoàn Văn Tứ – Giám đốc Cơ sở cùng trưởng, phó các phòng chuyên môn. Tại đây, đoàn công tác đã được tham quan cơ sở vật chất, mô hình cai nghiện, được các đồng chí cán bộ của Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La thông tin giới thiệu về cơ cấu tổ chức, kết quả công tác cai nghiện ma túy, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, từ đó đoàn công tác đã gặt hái được những kinh nghiệm có thể áp dụng cho đơn vị.

Ảnh: Đ/c Phạm Đình Giang – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội (phải) tặng quà lưu niệm đ/c Đoàn Văn Tứ – Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La

Tiếp theo hành trình, đoàn công tác đến thăm khu di tích Nhà tù Sơn La, thăm nơi giam giữ những chiến sỹ cộng sản trung kiên, trong đó đoàn đã thắp nén tâm nhang tại nơi đồng chí Tô Hiệu hy sinh. Qua lời kể truyền cảm, xúc động của hướng dẫn viên, các thành viên trong đoàn tưởng nhớ về một thời kỳ hào hùng và bi tráng của những người tù cộng sản năm xưa. Nhà tù Sơn La được xây dựng từ năm 1908, trải qua nhiều lần xây dựng, mở rộng thực dân Pháp muốn biến nhà tù thành địa ngục giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người chiến sĩ Cộng sản Việt Nam. Đối mặt với sự ác độc của kẻ thù, bản lĩnh bất khuất của những người cộng sản đã tỏa sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc. Di tích Nhà tù Sơn La từ đó trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khí phách kiên cường, khát vọng giành độc lập tự do, biểu tượng cao đẹp về tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Ảnh: Đoàn công tác thắp nén tâm nhang tại nơi đồng chí Tô Hiệu hy sinh
Ảnh: Đoàn công tác thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Di tích nhà tù Sơn La

Điểm dừng chân tiếp theo, đoàn công tác đã tới tỉnh Điện Biên thăm những di tích lịch sử như: Đền thờ Liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đồi A1, Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát xtơri, Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm tại xã Mường Phăng. Mỗi một địa danh, một công trình đều có nét kiến trúc độc đáo riêng, mang những ý nghĩa vô cùng đặc biệt, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc và là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa và tâm linh. Tại những nơi viếng thăm, đoàn công tác đã thành tâm, kính cẩn tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn trước công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bao máu xương để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ảnh: Đoàn công tác thắp hương tri ân tại Đền thờ Liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ

Cũng trong chuyến hành trình thăm những di tích tại xã Mường Phăng, đoàn đã ghé thăm Trường tiểu học Võ Nguyên Giáp. Tại đây, đoàn đã được cô Nguyễn Thị Thanh – Hiệu trưởng nhà trường thông tin chia sẻ về lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức, thành tích của nhà trường, sự cố gắng nỗ lực của các thầy cô trong việc đưa trẻ đến trường. Do Mường Phăng có địa hình chủ yếu là đồi núi, 97% người dân ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, thuần nông là chính nên so với các địa phương khác xã vẫn còn nhiều khó khăn. Các em thiếu nhi, học sinh ở đây vất vả, chịu nhiều thiệt thòi hơn bạn bè cùng trang lứa. Nhiều em phải xa bố mẹ từ nhỏ vì bố mẹ phải đi làm ăn xa, hoặc bố mẹ bỏ nhau để con lại cho ông bà nuôi. Chứng kiến sự khó khăn đó, đoàn công tác đã dành tặng phần quà nhân ái gồm 30 cặp sách trị giá 5 triệu đồng và 8,3 triệu đồng tiền mặt cho 30 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 3 cháu mắc bệnh hiểm nghèo và 7 cháu khuyết tật. Món quà tuy nhỏ nhưng đoàn hy vọng đó là nguồn động viên tinh thần để các cháu tiếp tục cố gắng giữ vững con đường học hành, nâng cao tri thức, trở thành người tài góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ảnh: Đ/c Phạm Đình Giang cùng các đ/c trong Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Cơ sở tặng quà cho các cháu học sinh trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp

Kết thúc chuyến hành trình, mỗi thành viên trong đoàn đều đọng lại nhiều tâm tư, suy nghĩ, lòng biết ơn vô hạn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu cho độc lập tự do của Tổ quốc, những tấm chân tình của bà con vùng Tây Bắc dành cho đoàn. Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống mới với cung đường giao thông hiện đại, cây xanh mọc lên đã hồi sinh tọa độ chết năm xưa, nhưng di tích nơi đây vẫn còn vang mãi những câu chuyện cảm động. Chuyến đi đã để lại giá trị nhân văn về “uống nước, nhớ nguồn”, mỗi cá nhân trong đoàn đều ý thức được công lao và sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước, trân trọng và biết ơn, nguyện phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu góp phần nhỏ vào công cuộc bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Kỳ Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *